Tỉnh Tiền Giang triển khai đề án cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, trong đó, chú trọng cơ cấu lại nghề trồng lúa theo hướng giảm diện tích, nâng cao giá trị và thích ứng biến đổi khí hậu.

Theo đó, tỉnh quy hoạch vùng sản xuất thích hợp; giảm dần tỷ trọng giống lúa thường và nâng tỷ lệ giống lúa thơm, lúa chất lượng cao; đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng và ứng dụng rộng rãi khoa học công nghệ, tổ chức lại sản xuất kết hợp với xúc tiến thương mại, phát triển thị trường. Mặt khác, tỉnh kiện toàn kênh mương thủy lợi chủ động nguồn nước tưới tiêu gắn phát triển giao thông, tiêu thụ nông sản hàng hóa phục vụ vùng chuyên canh; hình thành tổ hợp tác và hợp tác xã, kết nối doanh nghiệp theo mô hình cánh đồng lớn. Tỉnh chỉ đạo ngành nông nghiệp thực hiện nhiều công trình trọng điểm phục vụ sản xuất và dân sinh, như các dự án hệ thống thủy lợi Xuân Hòa, Bảo Định, năm kênh bắc quốc lộ 1; dự án xây dựng hạ tầng phát triển và bảo vệ vùng cây ăn trái tại Thuộc Nhiêu - Mỹ Long; dự án kiểm soát lũ vùng Ba Rài - Phú An; kiểm soát xâm nhập mặn vùng Gò Công.
Hằng năm, tỉnh tổ chức khoảng 1.550 cuộc tập huấn, hội thảo chuyển giao công nghệ cao vào sản xuất. Đồng thời chú trọng công tác đào tạo nghề cho nông dân. Giai đoạn 2017 - 2019 có 6.860 lao động nông thôn được đào tạo. Đến năm 2020, có 71.000 hộ được hưởng lợi trực tiếp từ các dự án. Tỉnh hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng và trang thiết bị cho 20 tổ chức tín dụng hoặc hợp tác xã tham gia dự án; hình thành sáu liên kết bao tiêu sản phẩm.