Hàng trăm ha sắn ở tỉnh Phú Yên đang bị nhiễm bệnh khảm lá và lây lan nhanh. Nhiều diện tích phải nhổ bỏ, mất trắng hàng trăm triệu đồng tiền đầu tư. Đây là loại bệnh mà theo nông dân, họ chưa từng gặp từ trước đến nay.

Ngành nông nghiệp tỉnh Phú Yên kiểm tra thực tế, lấy mẫu những diện tích sắn nhiễm bệnh khảm lá.
10 ha sắn hơn hai tháng tuổi của ông Cao Minh, ở xã Ea Ly, huyện miền núi Sông Hinh, tỉnh Phú Yên đầu tư hết 120 triệu đồng. Mặc dù thời tiết thuận lợi, mưa đều, nhưng sắn không phát triển bình thường như mọi năm. Ông Minh cho hay: “Lá sắn đốm vàng, xoăn lại, khô héo, không phát triển được. Giờ không biết phải làm sao”.
Kiểm tra thực tế tại rẫy sắn của ông Minh, cơ quan chuyên môn của tỉnh Phú Yên xác định, toàn bộ diện tích đã bị bệnh khảm lá phải nhổ bỏ tất cả, thiệt hại 120 triệu đồng. Không chỉ sắn của ông Minh, mà nhiều diện tích khác cũng bị bệnh tương tự, nông dân hoang mang lo lắng vì bệnh chưa từng gặp và lan nhanh. Ông Minh cho rằng: “Có một người trong xã mua giống ở Tây Ninh về bán lại cho bà con, chứ ở đây chưa có loại giống này. Vì vậy, có khả năng bệnh bắt đầu từ đó”.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Phú Yên, bệnh khảm lá trên cây sắn là do vi-rút gây ra, đang lây lan mạnh ở các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước, Đồng Nai. Nguy hiểm hơn là bệnh cũng đã xuất hiện ở Ma Đrak, tỉnh Đác Lắc giáp ranh với tỉnh Phú Yên. Ngoài lây lan từ hom giống, lo ngại nhất là truyền bệnh qua hút nhựa của bọ phấn trắng, loài bọ có rất nhiều ở cây thuốc lá, khoai tây, ớt và các cây họ cà.
Sắn non nhiễm bệnh, lá bị biến dạng, vàng loang lổ, không cho thu hoạch, còn lớn sẽ giảm năng suất, chất lượng. Do chưa có thuốc đặc trị, nên ngoài việc quản lý tốt nguồn giống, biện pháp tối ưu hiện nay là tiêu hủy ngay những diện tích đã nhiễm bệnh, không để lây lan.

Hàng trăm ha sắn ở tỉnh Phú Yên đang bị nhiễm bệnh khảm lá và lây lan nhanh.
Ông Nguyễn Thanh Hiếu, Trưởng Phòng Bảo vệ thực vật, Chi cục Trồng trọt Bảo vệ thực vật tỉnh Phú Yên cho biết: “Đơn vị đã có công văn gửi UBND và các Phòng Nông nghiệp các huyện để phối hợp điều tra và thực hiện theo quy trình phòng bệnh. Khi phát hiện bệnh, tiến hành tiêu hủy ngay, tránh để lây lan.
Theo Trạm Bảo vệ thực vật huyện Sông Hinh, qua điều tra từ các tư thương bán giống, toàn huyện có khoảng 300/8.000 ha sắn có thể đã nhiễm bệnh, tập trung lớn ở xã Ea Ly và Ea Bar.
Điều lo ngại nhất hiện nay là niên vụ 2017 - 2018, do giá mía giảm, giá sắn cao, nông dân tỉnh Phú Yên đã phá mía, nhân diện tích sắn lên 24 nghìn ha, vượt 5 nghìn ha so với kế hoạch của ngành nông nghiệp. Nếu như bệnh khảm lá sắn không được khống chế kịp thời, thiệt hại đối với nông dân là rất lớn.
Viettel khuyến mại đặc biệt: Khách hàng được Đọc báo, Xem video tẹt ga, MIỄN CƯỚC 3G/4G từ 12h-13h hàng ngày khi truy cập Netnews.vn. Chi tiết xem ngay TẠI ĐÂY để hưởng ưu đãi.